Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

CỘT CỜ THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH


THẦN TÍCH ĐỀN CỘT CỜ ( NAY LÀ ĐỀN BẢN TỈNH - ĐỀN LIỆT SĨ THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH)

             Đời vua Tự Đức ( 1848-1883 ), Quan Vệ úy coi kho lương thành Nam Định ( Tên là Nguyễn Kế Hưng) có người con gái tên là Bạch Hoa ( Tên thật là Nguyễn Thị Trinh) tính tình cương nghị, ham học võ nghệ, ngoài 20 tuổi không chịu đi lấy chồng, ngày ngày vui với cây côn lưỡi kiếm. Năm 1872, Jang Duy Puy ( Pháp ) đưa binh thuyền ra Bắc , theo sông Hồng, lên tận Vân Nam, dọn đường thử thách quân ta, và khiêu khích viện cớ đánh chiếm Bắc kỳ.Cuối năm 1873, thực dân Pháp từ Nam kỳ đem quân đánh Bắc kỳ. Ngày 20/ 11 ( 1873) chúng chiếm được thành Hà Nội. Rồi Pháp lần lượt đánh chiếm các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Phủ lý ( Hà Nam). Ngày 4/12/1873, thực dân Pháp chuyển quân bằng tầu XeoocPiong, đánh chiếm Ninh Bình, rồi lập tức đánh thành Nam Định. Quân dân ta đánh chặn chúng ở ngã ba Độc Bộ, tàu XeoocPiong bị thương, giặc chết và bị thương nhiều. Nhưng vì quân ta hết đạn, tàu giặc phá được kè chắn mở lối vào được sông Đào. Ngày 10/12/1873 giặc Pháp tấn công thành Nam Định, bị quân ta chống trả quyết liệt. Ngày hôm sau, quân Pháp đổ bộ dùng hỏa lực mạnh công phá thành dữ dội, đồng thời lấy những cây gỗ đặt áp tường thành làm thang leo lên mặt thành. Chúng tràn vào  đánh chiếm  Cột cờ ( Kỳ đài). Quan Vệ úy mang toán thân binh đến giúp quân sĩ giữ Cột cờ. Quân Pháp vây giữ mỗi lúc một đông. Tình thế  muôn vàn nguy ngập. Nàng  Bạch Hoa cùng mấy đầy tớ tâm phúc theo lối hẻm xông vào Cột cờ trợ chiến. Trước ưu thế về vũ khí, lực lượng của Pháp, quan quân  ta dần dần bị hy sinh hầu hết. Pháp chiếm được Cột cờ. Nàng Bạch Hoa hy sinh gần Cột cờ. Mấy hôm sau, nhân dân chôn cất thi thể nàng ở ngay chỗ hy sinh. Hòa ước ký ngày 15/3/ 1874 quân Pháp rút khỏi Bắc kỳ. Vua Tự Đức xét công lao chống Pháp, phong tặng những người tiết nghĩa. Nàng Bạch Hoa được phong tặng " GIÁM THƯƠNG CÔNG CHÚA''. Đến triều vua Thành thái( 1891), nàng được truy phong Bốn chữ :   ''TIẾT LIỆT ANH PHONG''. Nhân dân Nam Định xây đền thờ nàng ( Thường gọi là Bà chúa Cột cờ, hay là Bà Chúa coi kho ) ngay trên phần mộ Người. Có câu đối minh họa:

NHẤT NIỆM HIẾU TRUNG NHƯ NHẬT NGUYỆT
THIÊN THU PHẦN MỘ NẪM UY THANH

Dịch nghĩa:
MỘT NIỀM TRUNG HIẾU SÁNG NGỜI NHƯ NHẬT NGUYỆT
NGHÌN THU PHẦN MỘ LỪNG LẪY TIẾNG UY THANH
Đền thờ Giám thương công chúa quốc đảo dân cầu đều có nhiều linh ứng. Bà được nhân dân Thành Nam Định tôn làm Thành hoàng đương cảnh ( Bản xứ Thổ thần) nên đền thờ bà còn được gọi là Đền Bản tỉnh
Duệ Hiệu của thần là :   Tiết liệt Anh Phong Giám Thương Công chúa
Gia phong:                    Linh Phù chi thần
Gia tặng:                       Dực Bảo trung Hưng Tôn thần

Trong đền thờ có hai câu đối đáng lưu nhớ:

1) DỮ PHỤ ĐỒNG TỬ KIM ĐIỆC HÃN
    TỒN LƯƠNG VỆ QUỐC CỔ DO HY
Tạm dịch là:
Cùng cha chung một kẻ thù nay là hiếm
Giữ lương, bỏ mình bảo vệ đất nước từ xưa đến nay đâu nhiều

2) VŨ TRỤ HUY HOÀNG NAM TRẤN ỨC LƯU NIÊN LƯU HIỂN TÍCH
     ĐỨC UY HÁCH TRẠC KỲ ĐÀI CHUNG CỔ BÁ LINH THANH
Tạm dịch là:
Vũ trụ huy hoàng nơi Trấn Sơn Nam  hạ còn nghìn năm lưu hiển tích
Đức uy lừng lẫy nơi Cột cờ mãi mãi về sau còn ca ngợi tiếng linh thiêng

Theo văn bia còn lưu tại Đền Bản tỉnh: ( Dựng mùng 6 tháng Ba năm Thành thái 19 ( tức 1907) Kỳ đài vốn có từ các đời vua trước. Kỳ đài vốn có đền thờ vị công chúa. Công chúa là thị nữ của Mạ vàng công chúa trên Thiên đình, giáng sinh làm con quan Vệ úy của bản triều. Lúc sống hiếu nghĩa, khi mất anh linh được Thượng đế sắc phong làm " Kim tương Thủy tinh Bạch Hoa công chúa". Từ triều trước, đền miếu nguy nga lẫm liệt sánh ngang các đền Sòng sơn, Vân cát. Trong đền có bức đại tự VẠN CỔ ANH PHONG  ( Phong độ anh hùng muôn thuở )
Hiện nay Đền Bản tỉnh còn được gọi là Đền Liệt sĩ tọa lạc tại 68 đường Đông kinh nghĩa thục- Phường Ngô quyền - Thành phố Nam định. Gần tháp Viễn thông Nam Định.
Đền Bản tỉnh vốn được xây dựng từ năm 1495. Trước tới nay thờ bà Lương Thái Tần ( vợ của Điện soái Tướng quân Phạm Ngũ Lão). Bà có nhiều công lao giúp chồng đánh giặc ngoại xâm, khai ngòi đắp mương, làm cầu đường, xây chùa miếu, cấp phát tiền gạo cho nhân dân vùng Kiện Khê ( tỉnh Hà Nam) , là người nhân đức, nghĩa khí. Khi mất, được vua Trần phong là THỦY TINH CÔNG CHÚA. Như vậy, trong đền có đến hai Vị Liệt nữ của đất nước cùng được nhân dân tôn thờ nơi đây. Cho nên, đền còn gọi là đền Liệt sĩ.


Như  ngòi bút viết lên trời xanh trang sử hào hùng của thành phố
CỘT CỜ THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH là một di tích lịch sử lâu đời của thành phố. Nay đã được trùng tu lại. Bên trong cột cờ, có bàn thờ tưởng niệm các liệt sĩ đã có công bảo vệ thành phố. Ở đây cũng có bàn thờ BÀ CHÚA CỘT CỜ.

Toàn bộ quang cảnh cột cờ, đối diện với bảo tàng Nam Định
Cột cờ đã bị hư hại do bom Mỹ nay đã trùng tu lại

Tiếp thêm sinh khí của trời đất, vũ trụ đem lại điều lành cho thành phố Nam Định

Sừng sững uy nghiêm

Dưới đây tôi thêm hai bức ảnh CỘT CỜ NAM ĐỊNH  đã chuyển dang  HDR mời các bạn coi cho vui nhé



Trông có vẻ lịch sử  hơn

Mềm mại hơn có phải không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét