Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

LUÂN HỒI

Trong bài viết này mình chia sẻ những suy nghĩ riêng của mình về vấn đề LUÂN HỒI. Vấn đề nặng tính tâm linh này có thể nhìn nhận một cách khoa học dưới nhãn quan Phật pháp không?


Nguồn gốc của vấn đề luân hồi?
              Một sinh linh được tạo ra, học hành, xây dựng cuộc sống, sinh con đẻ cái, để rồi lại biến mất, thật lãng phí. Suy nghĩ rất tự nhiên rằng, cái chết có thể cướp đi sự hiện diện trên cõi đời này của một cá nhân, nhưng đó không thể là sự kết thúc được, lãng phí, cực kỳ phi lý. Vậy, sau CÁI CHẾT  là điều gì?
              Có một cuộc sống mới sau cái chết không? Nếu có, nó như thế nào?
              Có một lúc nào đó, sau khi chết, người ta lại quay lại cuộc sống này không?
              Ta là ai? Tại sao ta lại có mặt trên cuộc đời này, sao ta lại có thể ý thức được về ta, trước đây ta là cái gì, ta đã ở đâu?
               Thỉnh thoảng, một lúc nào đó ta có cảm giác, cái tình huống mà ta đang gặp, đang nói chuyện dường như đã xảy ra một lần rồi, có khi ta còn dự báo được nó sẽ diễn ra như thế nào nữa..
               vv....
               Sẽ có rất nhiều người đã đặt ra những câu hỏi đại loại như thế, từ rất lâu rồi, kể cả khi khoa học phát triển , sự giải thích của học thuyết tiến hóa, lý thuyết về không gian và thời gian hiện đại  nhưng đó là những câu hỏi mà câu trả lời là chưa thỏa đáng
               Luân hồi, cũng như luật Nhân- quả thực ra không phải là sự phát minh của Đạo Phật. Chúng có trước
               Luân hồi, được hiểu một cách đơn giản nhất là: sau khi cái chết đã cướp đi cái thân thể của một sinh vật, thì một sinh vật mới sẽ được ra đời trên một nền tảng nào đó của sinh vật ấy, dưới dạng thức tồn tại khác.
              Triết học cổ đại Ấn độ, phản ảnh trong đạo Phật, có đưa ra một khái niệm về Nghiệp ( Kamma) sẽ dẫn dắt quá trình luân hồi này. Nghiệp là tập hợp thông tin về cá nhân trong nhiều giai đoạn tái sinh của nó.
              Có một vấn đề đặt ra trước hết là trục thời gian, quan niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai. Vấn đề tiếp theo, tổng quát hơn đó là sự luân hồi chung của vũ trụ ( sự tuần hoàn)

VỀ VẤN ĐỀ: THỜI GIAN VÀ LUÂN HỒI TỔNG QUÁT CỦA VŨ TRỤ
             Nếu ta quan niệm Thời gian là một trục thẳng không có gốc, nhưng có duy nhất một hướng. Khi đó,  các sự kiện diễn ra theo một trật tự có trước có sau, và khi đó, khái niệm về Quá khứ, Hiện tại, Tương lai ra đời.
              Tuy thế, thẳng hay không thẳng là vấn đề nhận thức của con người. Nói theo lối lập luận của Kinh Kim cương bát nhã ba la mật đa thì: "Thẳng  nhưng thực ra là không thẳng, ấy mới là thẳng". Nói một cách dễ hiểu hơn, rất nhiều thứ, chúng ta quan niệm là Thẳng trong một phạm vi nào đó: Sợi chỉ căng giữa hai chiếc đinh là thẳng, nhưng thật ra không thẳng. Đi một con đường thẳng, thực ra trên một bề mặt Trái đất lại là bề mặt cong, có thẳng không? Ánh sáng, truyền theo đường thẳng, trong một không gian hẹp, nhưng trong vũ trụ, đi ngang một vật thể có khối lượng lớn, nó cũng bị cong đi, và đi vòng....
            Vì thế, hình dung Thời gian như một sợi chỉ, thì trong một đoạn ngắn, có thể coi nó là thẳng. Nhưng xét toàn thể, nó không thể là thẳng. Hãy hình dung một cái vòng đeo tay, ta có thể thấy nó cong và khép kín. Nhưng nếu chiếc vòng đó thật lớn như bánh xe tro chơi Bánh xe mặt trời, trong phạm vi vài chục cm, ta thấy nó thật thẳng, nếu chiếc vòng đó là quỹ đạo của một vệ tinh nhân tạo ta mà xét trong một vài mét, sẽ thấy nó thật thẳng, nhưng, thực ra, đoạn đó chỉ là một phần của một đường cong mà thôi.
            Lại nữa, chiếc vòng, là một đường cong phẳng, tức là đường cong đó đặt được trên một mặt phẳng. Bây giờ, hãy lấy một sợi dây thép uốn thành một cái vòng tròn, hàn 2 đầu với nhau, chúng ta có chắc đó là một chiếc vòng phẳng không? Lấy một chiếc lò xo xoắn, kéo dãn nó ra, chập hai đầu lại, cũng được một chiếc vòng, trong một đoạn rất ngắn, có thể nhầm tưởng là một sợi thép thẳng.
           Thời gian cũng thế, nó không thẳng, và có vấn đề là nó cũng khép kín thành một vòng, tất nhiên, là chiếc vòng đó thật lớn đối với nhận thức của con người, nhưng trong nhận thức của Phật, không có khái niệm LỚN.
          " Này, thầy Tu Bồ Đề, ví có người có thân lớn như núi cúa Tu di, thày nghĩ sao? thân ấy có lớn không?
           Tu Bồ Dề thưa:" Bạch Thế Tôn, lớn lắm, vì sao? Cái mà Thế Tôn gọi là không phải thân lớn, mới đích thực là thân lớn" ( Kinh Kim Cương)
           Để dễ hiểu, xin giải thích, khái niệm LỚN, là không tồn tại, thật thế, ví như con Kiến, nhìn thấy chiếc bánh mỳ, nó sẽ kêu, ôi một chiếc bánh mỳ lớn thật, nhưng, con Voi, sẽ không nghĩ thế. Trong kinh Kim Cương, khái niệm về số lượng được nêu lên khá gần với quan niệm của Toán học hiện đại. Tương tự, khái niệm Nhiều cũng không tồn tại.
           Vâng, để dễ hiểu, ta coi 60 năm cuộc đời là dài, nhưng đối với những loài như loài Rùa, 60 năm có nghĩa lý gì? Và đối với cả tiến trình của vũ trụ, nó chỉ là một chớp mắt
            Chưa kể đến, trong mỗi một môi trường, mật độ của thời gian cũng khác nhau. Theo thuyết của Einstein chỗ nào vận tốc lớn, thì thời gian chậm.
             Vì thế, THỜI GIAN LÀ MỘT CHIẾC VÒNG , KHÔNG PHẲNG, KHÔNG ĐỀU, KHÔNG THẲNG, NHƯNG KÍN. Và vì thế, không thể nói về điểm bắt đầu, và điểm kết thúc, không có trước, sau, hiện tại và quá khứ cũng như tương lai. Các khái niệm về trước, sau, quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ được xét trong một đoạn cực ngắn của nó mà thôi.
              Nếu, thời gian là một vòng kín như thế, thì có thể hiểu phần nào sự tuần hoàn lặp đi, lặp lại của vũ trụ, và vì thế, LUÂN HỒI, chẳng phải là điều gì quá khó hiểu, chúng ta có thể sống lại cuộc sống này một lần nữa điều đó cũng chẳng có gì là khó giải thích.
             Tuy nhiên, trong triết học Phật giáo, còn một quan điểm nữa là Vô thường, hiểu ngắn gọn là sự biến đổi vô cùng vô hạn, không theo định hướng nào. Vậy, ta hãy tưởng tượng, chiếc vòng thời gian đơn giản như một chiếc lò xo xoắn và kết thành một vòng kín, khi một phần của nó, bị hơ vào lửa nóng, phần đó bị giãn ra không đều đặn nữa , khi đó quay trở lại vấn đề, sự luân hồi, có xảy ra, nhưng nó lặp lại có biến đổi, chứ không chắc có hoàn toàn như trước. Một sự kiện có thể bị trượt đi một đoạn trên vòng kín đó, mật độ thời gian ( nhanh, chậm) có thể thay đổi, và vì thế, hình thái biểu hiện của sự kiện đó cũng sẽ biến đổi ( vô thường)
             Một lần nữa, ta lại tổng quát lên. Bản thân Thời gian cũng chỉ là một bộ phận của một Thời gian tổng quát hơn nó, ở một tổng thể vũ trụ lớn hơn nó, và cứ thế tiếp diễn nữa.
            " Này thày Tu Bồ Đề, trong sông Hằng có bao nhiêu hạt cát, là có bấy nhiêu dòng sông Hẳng. Vậy thì cát của tất cả các dòng sông Hằng đó có nhiều không?"( Kinh Kim Cương)

             Theo quan niệm của Phật, trong mỗi hạt cát lại là một vũ trụ. Hạt cát là một vi trần, trong vi trần đó lại là một vũ trụ nữa. Chính vì thế, ở nơi nào có sự từ bi, nơi đó có những vị Phật, và có hằng hà sa số các vị Phật ( Hằng hà sa số, thuật ngữ chỉ sự vô hạn, nghĩa đen: Hằng hà sa số: Hằng hà( sông Hằng, sa ( cát), sa số ( số cát))
             Các hành tinh quay quanh Măt trời, các Vệ tinh quay quanh hành tinh, các electron quay quanh hạt nhân nguyên tử, vv, các hệ mặt trời quay quanh trung tâm thiên hà, các thiên hà và ngoài thiên hà, có bao nhiêu vũ trụ? và, biết đâu, trong mỗi một hạt cơ bản đã tạo nên một nguyên tử lại là thế giới các thiên hà nhỏ bé nữa và cứ thế?
            Tiếp tục với mô hình nguyên tử của vật chất: mỗi điện tử sẽ quay quanh hạt nhân của nó nhưng nó không phải quay theo quỹ đạo là một vòng tròn hay elip, mà nó quay trên cái gọi là một orbita, liên tục nhảy từ mức năng lượng này sang mức khác, nếu ở một mức năng lượng, nó sẽ chuyển động trên một mặt cầu, hoặc  mặt elipxoid ( mặt hình trứng), khi nào nó quay được về đúng vị trí xuất phát ( giả định vì thực tế không có vị trí cố định này) thì một chu trình luân hồi của nó đã hoàn thành.
           Như thế, trong mỗi một cá nhân, có vô hạn vi trần như các hạt electron có những luân hồi riêng của chúng, và sự luân hồi của mỗi cá nhân phụ thuộc vào các vòng luân hồi của từng đơn vị vi trần ấy. Nhìn  nhận một con người, ta chỉ mới nhìn  nhận một hợp tướng ( một hệ thống các vi trần theo quy ước của nhận thức). Sự luân hồi của một con người còn phụ thuộc vào từng luân hồi của các vi trần bên trong, và cũng phụ thuộc vào sự luân hồi của hệ thống lớn hơn nữa: gia đình, dòng họ, quốc gia, hành tinh, ... và vũ trụ.
           Và vì thế, tôi nghĩ, Luân hồi là có thật. Chuyện chúng ta du hành từ thế giới này, sang thế giới khác là có thật, chứ không chỉ bó hẹp trong việc vũ trụ này có bao nhiêu hành tinh có sự sống. Phật Nhãn cho chúng ta hiểu biết rộng hơn rất nhiều về thế giới quan. Thật là có phúc đức, chúng ta mới được sống một lần trong thế giới gặp được Phật Pháp.
           Vấn đề thứ hai: Sự luân hồi có xảy ra ngay trong thực tại không? Tôi sẽ xin trình bày vào phần tiếp theo dưới đây trong một buổi khác.....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét