Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

LIGHTROOM CHỈNH SỬA ẢNH THẬT ĐƠN GIẢN VÀ HIỆU QUẢ

 Lightroom chỉnh sửa ảnh đơn giản hiệu quả

(Resume: Bạn muốn sử dụng một phần mềm phổ thông tân tiến nhất của Adobe để chỉnh sửa đôi chút bức ảnh  mình đã chụp được  mà không muốn học Photoshop vốn là một phần mềm chỉnh sửa ảnh quá toàn diện nhưng rất đỗi rắc rối, vậy thì bạn hãy đọc bài viết này, nó rất đơn sơ nhưng có lẽ có ích nếu bạn là người không có nhiều thời gian đến các lớp học đồ họa)
BẤM VÀO ĐÂY NẾU BẠN KHÔNG THÍCH NỘI DUNG NÀY

Phần mềm Lightroom (LR) dành cho những người chụp ảnh khá chuyên nghiệp, có hiểu biết sâu về các yếu tố của một bức ảnh kỹ thuật số ( KTS). Tuy nhiên, nếu chỉ là người chụp ảnh không chuyên cũng có thể sử dụng LR để tus lại  những bức ảnh mà mình chưa thật ưng ý sau khi chụp, hoặc cần nhấn mạnh điều gì đó trong bức ảnh của mình.
Trong bài này tôi muốn bạn trải nghiệm chứ không hề hướng dẫn bạn đặt các thông số chế độ như thế nào, bởi vì, cùng một chế độ tùy chỉnh , người thì cho là đẹp, người lại cho là chưa đẹp. Kinh nghiệm sẽ đến qua thực hành phải không bạn?

CẮT ẢNH THEO Ý MUỐN ( Crop ảnh)

Rất cần khi ta muốn bố cục lại ảnh cho đúng ý đồ. Bạn ấn phím tắt R ( Hoặc vào Tools bấm crop, Hoặc klick vào ô hình chữ nhật kẻ thành 9 ô nhỏ  bên dưới biểu đồ màu Histogram ), sau đó nhấn phím O máy sẽ lần lượt hiển thị các hình thức làm nổi bật chủ đề cho bạn. Từ những đường gióng theo quy tắc 1/3, đường xoáy ốc vào chủ điểm, đến  đường phong bì ( trường hợp có hai chủ đề). Chế độ crop tự do bạn chỉ cần dùng con chỏ dịch chuyển các đường giới hạn các biên, các  góc. Có thế xoay hình ( khi bạn nháy chuột ra phần cắt bỏ đi, máy sẽ hiện  mũi tên cong có hai đầu nhọn), dịch chuyển hình ( khi máy hiện hình bàn tay). Còn nếu muốn cắt ảnh theo tỷ lệ để đưa in ( ví dụ tỉ lệ 13:18) bạn cần nháy vào hai hình tam giác nhỏ cạnh chữ custom một cửa sổ hiện ra để bạn chọn tỷ lệ ( 7:5  nghe bạn,  đây là khổ in CP2 của các lab in ảnh ), hoặc cũng có thể gõ vào tỷ lệ theo ý mình ( nháy vào entercustom). Khi crop, bạn hãy theo dõi kết quả sẽ cắt ở ô Navigator  (*1) nhé.
Về kích thước ảnh in ở lab bạn xem phần cuối của  bài này    ( kích vào chữ bài này để đọc)



CHỈNH CÂN BẰNG TRẮNG: Về cơ bản, máy KTS của bạn để   WB ( Cân bằng trắng (CBT)) tự động rồi ( WBA). Nhưng trong một số trường hợp bạn muốn ảnh có màu sát hơn với thực tế, biểu cảm hơn với ánh sáng thực tế của thời điểm hôm đó, hoặc bạn đặt CBT theo ý mình trong kiểu ảnh trước ( chụp với đèn flash chẳng hạn) cứ vác máy ra chụp ngoài trời thành ra màu của bức ảnh trông không chấp nhận được; vả lại CBT tự động (WBA)  đôi khi cũng không thật chuẩn. Lúc ấy ta cần phải chỉnh CBT (WB)
Cách thứ nhất: Bạn chỉnh nhiệt độ màu ( thanh Temp ( nhiệt độ màu ) cùng với Tint  ( độ sai màu ) ) cho đến khi vừa ý. Nhớ là nếu trời tối, hoặc trong bóng râm, trời nhiều mây  thì tăng lên một chút, chỉnh Tint thì cứ thử chiêm nghiệm thấy đẹp là được)
Chú ý: trên thanh Temp nếu chỉnh sang phải ( tăng nhiệt độ màu) thì ảnh tăng màu vàng, giảm màu xanh dương. Còn trên thành Tint nếu dịch sang phải thì ảnh tăng màu hồng Magenta( cánh sen) dịch sang trái thì tăng màu xanh lá
Cách thứ hai: Cần nhớ hôm chụp ảnh, chi tiết nào trong ảnh là mầu trắng bạn dùng chiếc ống pipet có mực trắng cạnh chữ WB: dịch chuyển đến chỗ đó nháy vào rồi căn chỉnh một chút ở Tint

CHỈNH ĐỘ PHƠI SÁNG EXPOSURE:  ( Tất cả trong mục BAISIC )Dùng để cứu những bức ảnh chụp thừa sáng, hoặc thiếu sáng. Cũng cứu những bức ảnh đo sáng không đều, dẫn đến chỗ tối thì tối quá, đen như mực, không nhận biết được chi tiết gì hết, hoặc bức ảnh cháy chỗ nào cũng sáng quá vv và vv. Bạn cần quan sát trên Histogram. Căn chỉnh các thông số để các tam giác ở hai góc của ô Histogram đừng sáng trắng lên nhé. Nếu tam giác ở góc trên bên phải sáng lên, thì có nghĩa là ở vùng sáng sẽ có mất chi tiết. Còn tam giác bên trái sáng lên tức là các chi tiết ở vùng tối sẽ mất chi tiết. Trường hợp bạn cần làm tối  hình để nổi bật chủ để , hoặc làm cho nền trời xanh quyến rũ hơn bằng cách giảm sáng, hay tăng tương phản ( contrast ) bạn quên mất một số lùm cây trở nên đen kịt như người ta đánh đổ mực in vào, cũng như tóc người thì đen kít trông chẳng ra sao. Bên cạnh việc tăng giảm exposure bạn có thể tăng Recovery nếu vùng sáng mất chi tiết, hoặc tăng Fill light nếu vùng tối mất chi tiết. Đây là nói về tổng thể, còn từng khu vực bạn còn công cụ để chỉnh sáng tối một cách địa phương mà tôi sẽ nói sau. Ở bước này, bạn cũng cần quan tâm đến  các thanh trượt khác nữa như Brightness ( sáng tối ) , Contrass ( tương phản), Clarity ( độ chi tiết của ảnh chụp), màu sắc ( Vibrance và Saturation ).*4)
Cũng có tùy chọn trong mục Tone Cuver giống như các phần mềm chỉnh sửa ảnh khác, nhưng nói chung trong phần BASIC bạn đã làm tốt thì phần này ít khi phải đụng đến vì bạn thấy đấy, các bức ảnh của máy KTS máy đã giải quyết tương đối tốt rồi. (*2)


CHỈNH ĐỘ SẮC NÉT VÀ LỌC NHIỄU(  Mục  DETAIL)
Ở đây có hai mục chính: Sharpening và  Noisereduction. 
Bạn cần kéo thanh trượt về bên phải để cho ảnh nét hơn. Khi đó nhớ quan sát  ô vuông hiển thị chi tiết trên đó, hoặc trong Navigator bạn chuyển vể chế độ xem ảnh 1:1 ; hoặc 1:2  dùng bàn tay để chuyển ô vuông hiển thị  vào nơi mà bạn lấy nét tiêu chuẩn. ( như bạn muốn nhụy hoa thật nét chẳng hạn).
Khi ta tăng độ nét , cũng là làm cho ảnh bị nhiễu hơn. Nhiễu có hai loại ( nhiễu hạt chi tiết ( Luminance) và nhiễu hạt mầu color). Và như vậy, bạn cần kéo tăng theo các thanh trượt ỏ các mục này để giảm nhiễu. Việc lọc nhiễu này rất cần khi ta chụp ở ISO cao từ trên 1600 ASA. Nhất là các bức ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng, các máy KTS cũng tự động tăng ISO lên.


Về cơ bản, fimware  của máy ảnh KTS compac cũng đã chỉnh  nét và khử nhiễu như thế. Một số máy của Sony rất nét, nếu đã vừa ý, bạn cũng đừng chỉnh chọt làm gì. Vả lại, đâu phải ảnh nét mới là ảnh đẹp. Quan niệm ảnh cứ phải thật nét nèn nẹt cũng nên xem lại. Còn về nhiễu ( noise) nếu kích thước ảnh nhỏ, chỉ dùng để chia sẻ trên mạng, thì bạn cũng chẳng cần phải quan tâm nhiều sau khi chỉnh  shapening vì ở cỡ nhỏ chẳng có thể trông thấy nhiễu, và giảm nhiễu thì đi đôi với mất chi tiết ảnh.(*3)
Để đánh giá mức độ tác dụng của các thanh trượt tùy chỉnh mức độ tác động lên ảnh, bạn có thể dùng phím ALT kết hợp con chỏ nháy vào nút của chức năng điều chỉnh. Chi tiết hơn bạn nên xem ở ĐÂY
và ở  ĐÂY
CÁC TỦY CHỈNH ĐỊA PHƯƠNG:
Spot removal:  Giống chức năng clone của photoshop ( Của FS, nhưng không tiện bằng) Dùng để sửa chữa, xóa bỏ nốt ruồi, hoặc chi tiết nhỏ không mong muốn.
Dùng con lăn của chuột để chọn kích thước phần định sửa chữa. Đè hình tròn con chỏ và vùng định xóa, nháy chuột, hình tròn thứ hai hiện ra, dùng con chỏ để kéo vòng tròn thứ hai  vào vùng chọn để sao chép vá đè vào vùng chọn ban đầu. Nhớ chọn kích thước nhỏ vừa đủ thôi nhé.
Red eye corection: Chỉnh hiện tượng mắt đỏ( bây giờ máy ảnh KTS nào cũng có chức năng này rồi, nên khỏi cần
Hai chức năng sau đây khi bạn chọn, máy sẽ hiện lên các Effect ( phơi sáng, lấy nét ( làm mờ) , màu sắc, chi tiết, vv) làm trắng răng, làm mịn da ( như da em bé) vv) nếu bạn chọn vào tam giác Custome)
Graduated filter : Chức năng thay đổi từ thấp đến cao và giảm dần một tiêu chí nào đó trên một vùng  mà nó quét ( phơi sáng, độ nét, màu sắc vv và vv).

Adjustmen Brush:   dùng bút ( cọ ) bôi quét để làm tăng, giảm một tiêu chí nào đó ( Nếu bạn chụp ngược sáng mà lại không tăng EV, mặt nhân vật tối đen, bạn có thể dùng Adjustment Brush để làm sáng gương mặt). Cũng dùng được khi một vùng nào đó của ảnh bị tối đen mất chi tiết. Hoặc một vùng nào đó bị sáng quá mất chi tiết mà ta không muốn chỉnh sửa tổng thể. Dùng các chức năng này, nên chọn mức độ thăm dò, vừa phải, đừng quá tay sẽ dẫn đến bức ảnh bị thiếu tự nhiên, mất logic.

Có lẽ bạn sẽ rất sốt ruột vì mình chưa thể đưa ảnh vào để thực hành phải không? Vậy bạn hãy đọc phần sau đây nhé:


NHẬP ẢNH ĐỂ CHỈNH SỬA ( IMPORT) VÀ XUẤT ẢNH SAU KHI CHỈNH SỬA ( EXPORT)

Với người mới đầu học LR  thì khó chịu nhất là nhập ảnh vào sửa trong LR.
Nhập ảnh vào:
Khi mới khởi động màn hình sẽ như thế này: (Ghi chú: Nếu chữ Library không trắng sáng lên, bạn hãy nháy vào nó trước khi làm việc Nhập ảnh ( Import))


Bạn nhấn vào nút Import ( bên trái ).
Chờ một chút,( Nếu máy bạn cấu hình thấp, RAM không đủ chỗ thì chờ cũng hơi lâu) thấy  ở cột bên trái hiện ra cây thư mục, chọn nháy vào các nhánh đến thư mục chứa ảnh cần chỉnh sửa. Nếu ta nháy vào, coi như máy sẽ nhập tất tần tật các ảnh trong thư mục đó. Vì thế, kinh nghiệm của tôi là các ảnh nào cần sửa thì ta copy vào một thư mục có tên để một chỗ trong ổ D rồi Import từ đó. Chớ Import vào thẻ nhớ máy sẽ dốc cả thẻ nhớ vào Library đấy nhé. Nên khi tìm chiếc ảnh mình cần, thì chẳng khác nào lục tủ sách.
Chờ một lúc, các ảnh được nhập vào sẽ hiện mờ mờ cỡ nhỏ ở khung giữa. Nếu máy ngừng lại ta có thể nhấn nút Import ở phía tay phải phía dưới
Các ảnh chờ để chỉnh sửa sẽ hiện nhỏ ở thanh phía dưới màn hình như một cuộn phim
Bạn có thể nháy vào nút tam giác quay xuống để hide các ảnh này và cũng nút tam giác đó để hiện.

Một ảnh đã sửa rồi, thì nó trong Library, bạn không thể import nó thêm một lần nào nữa. Muốn sửa nó, bạn phải vào cuốn phim phía dưới, chọn nó, vào mục History để quay lại bước mà bạn thấy cần bắt đầu từ đó. Tôi ghét điều này nhất.

Sau khi bạn đã nhập ảnh rồi, muốn sửa ảnh, bạn nhấn vào Develop để bắt đầu làm việc. Nhớ theo từng bước như trên nhé: Cắt, chỉnh Basic , Chỉnh nét và noise; sau đó chọn hiệu ứng đặc biệt trong Effect. ( tôi sẽ trình bày sau).

Xuất ảnh ra: 
 Bạn vào mục export ( trong  mục file) hoặc bấm phím tắt ( Ctrl+shift + E) sẽ mở ra cửa sổ xuất ảnh

Ở đây bạn sẽ chọn nơi để xuất ảnh ở mục export to, bạn chọn nút Choose để tìm nơi cất giấu ảnh trong các phân vùng ổ cứng của bạn, hoặc thậm chí trong USB.
Tiếp theo là đặt tên cho file ảnh, nếu lần trước bạn đã đặt tên cho ảnh lần trước, máy sẽ nhắc lại tên đó. Bạn cần chọn một tên khác nếu không muốn ghi đè mất ảnh trước.
CHẤT LƯỢNG ẢNH XUẤT RA:
Một điều tôi rất thích LR là khi Export ảnh, một bức ảnh ban đầu đưa vào làm dung lượng 6Mb, nếu bạn chọn mức chất lượng ( quality ) 50% thì dung lượng đầu ra chỉ khoảng 270 - 300 kb, rất tiện cho việc chia sẻ trên mạng. Nếu bạn tăng quality lên 100% thì dung lượng đầu ra khoảng 1,4Mb đến 1,7Mb.( nếu bạn đưa ảnh JPEG vào sửa)
Để ghi tên của mình vào góc ảnh, bạn vào mục watermarking, vào watermark: chon kiểu đã đặt từ trước, hoặc mặc định, hoặc bạn làm từ đầu chữ ký của bạn( Bấm nút tam giác quay xuống). Vậy bạn hãy vào Edit warter mark, lúc đó máy sẽ hiện một cửa sổ cho phép bạn chọn phông chữ này, vị trí để dặt chữ ký này, kích cỡ tỷ lệ của chữ ký so với ảnh này vv và vv. Sau khi lựa chọn, bạn đặt tên cho kiểu chữ đó là A, B  hay C gì đó, rồi thoát ra, từ nay muốn có chữ ký điện tử vào ảnh bạn cứ vào Mục Warter marking chọn kiểu A, B, hay C đó là xong, sau đó nhấn nút  Export. Thế là bạn đã có bức ảnh OK rồi. Chú ý nên chọn vài kiểu vị trí chữ ký trên ảnh, kẻo có khi chữ ký lại vào đúng vị trí nhạy cảm trong  bức ảnh thì ... toi.

SỬ DỤNG EFFECT
Chức năng Effect cho phép ta có thể làm cho xung quanh ảnh tối hơn hoặc sáng hơn làm cho trung tâm bức ảnh được nổi bật hơn. Ngoài ra còn một số chức năng khác như làm nổi hạt sạn bức ảnh trông như bức ảnh tư liệu cũ vv và vv
Để làm sáng, hoặc tối viền xung quanh ảnh, bạn hãy dùng chức năng Postcrop Vignetting, có 3 style: Highlight priority ( tối sáng) ; Color Priority ( mầu sắc) ; Paint Overlay ( mức độ tranh vẽ) nhưng tác dụng cũng na ná như nhau. Bạn dịch chuyển con chạy Amount sang trái làm tối viền ảnh, sang phải nếu muốn làm sáng viền ảnh ( trung tâm sẽ là một vùng sáng hình tròn hoặc trái xoan), bạn cũng thử điều chỉnh Midpoint mà xem , khi ấy vùng sáng trung tâm sẽ rộng ra hoặc thu hẹp lại.
Để làm ảnh nổi hạt sạn, bạn vào mục  Graint  cũng dịch chuyển Amount để chọn mức độ, dịch chuyển Size để tăng giảm kích thước hạt sạn vv, bạn hãy cứ thử nghiệm nhé.

( Bài viết còn  liên tục cập nhật, nếu có thời gian, bạn có thể nháy vào các mục trên thanh công cụ mầu sáng trên cùng: file, edit , develop , ... và trải nghiệm, ở đó cũng có các hướng dẫn phím tắt  cho các chức năng )

CHÚ THÍCH:
(*1) NAVIGATOR: Vị trí ngay dưới chữ Lightrom mầu trắng, góc trên, bên phải, có nút tam giác bên cạnh, nếu quay ngang thì đóng, nếu quay đầu nhọn xuống dưới thì mở. Navigator cho ta nhìn được ở kết quả chỉnh sửa ở một cửa sổ nhỏ, nếu muốn xem lớn bạn phải xem ở ô chính giữa, ô làm việc. Ở Navigator, bạn có thể tùy chỉnh kích thước ảnh hiện trong ô làm việc với các chế độ: FIT ; FILL;  1: 1 ; 1: 3  và vân vân nếu bạn nháy vào chỗ có hai tam giác giáp đáy vào nhau.

(*2) Mẹo: Nếu làm thật tinh ta có thể chuyển ảnh sang chế độ đen trắng: Ở mục Treatment có hai tùy chọn: Color ( mầu ) hoặc  Black & White. Khi ta chuyển sang chế độ Black & white có thể nhìn nhận  độ chi tiết, tương phản, sáng tối một cách tổng thể hơn, sau đó lại chuyển sang Color để chỉnh tiếp. Đặc biệt xuất ảnh  ở chế độ này, ta được một ảnh đen trắng. Đôi khi một bức ảnh đen trắng cũng đẹp phải không?

(*3)Sharpness: Thực chất chỉnh nét là chỉnh độ tương phản ở ria chi tiết với vùng xung quanh. Nếu máy ảnh lấy nét không đúng thì cũng bó tay mà thôi. Một bức ảnh nét quá sẽ mất độ sâu của ảnh, trông không có cảm giác hình nổi lên, bong lên chi tiết. Các máy compact thường rất nét, " chỗ nào cũng nét " đó cũng là điểm yếu của chúng. Một  đôi tượng có chi tiết gần máy quá thì mờ, xa máy ảnh cũng mờ, chỉ một số vùng đúng nét mới nét, khi ấy bức ảnh mô phỏng được chiều sâu trường ảnh của con mắt người, nên ta thấy ảnh nổi lên và thật hơn. Nếu chỗ nào cũng nét thì bức ảnh sẽ gần với tranh dân gian Đông Hồ hơn.
(*4) Khi chỉnh Saturation, bạn đã chỉnh độ đậm nhạt mầu của tất cả các màu cơ bản cấu thành, ( thường là Đỏ, Xanh cây, và xanh ( hệ RGB - RED-GREEN-BLUE), Còn chỉnh Vibration bạn chỉ chỉnh các màu yếu hơn thôi, mạnh hơn thôi, ví dụ, ảnh có ám vàng, có thể thừa màu Green, có thể kéo Vibration để khắc phục)
PS:Hiện đã có bản Lightroom CC 2015 , trong effect có chức năng De Haze dùng để làm ảnh trong veo, hoặc khử sương mù , hơi nước làm mờ ảnh. Được cam kết là nhạy và chạy tốn ít tài nguyên máy tính hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét