Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Thiết lập cân bằng trắng cho máy ảnh DSLR nikon

                       Khi chụp ảnh bằng các máy ảnh P&S tự động, hay dùng smathphone chụp ảnh người ta thường ít quan tâm đến CÂN BẰNG TRẮNG vì mọi thứ đã có máy ảnh lo, ta chỉ việc chụp. Một số máy ảnh tự động làm rất tốt việc này. Nhưng ta có thể thấy cùng một hoàn cảnh, hai chiếc máy ảnh (hoặc điện thoại) khác nhau cho ra hai tấm ảnh có tông màu khác nhau, đó là do cân bằng trắng của các máy đó khác nhau.
                      Chúng ta nhìn thấy một đối tượng là do có ánh sáng. Có loại đối tượng phát sáng để ta nhận biết ( vật phát xạ), bước sóng ánh sáng phát ra từ nó cho ta màu sắc của vật. Ví dụ, thanh thép nung đỏ, phát ra ánh sáng ở dải mầu đỏ và hồng ngoại, không có ánh sáng chiếu vào, ta cũng thấy nó. Cũng có loại đối tượng hấp thụ ( vật hấp thụ) một số màu của ánh sáng môi trường chỉ phản xạ lại một số màu, ví dụ như tấm vải đỏ hấp thụ hầu hết các màu khác, chỉ phản xạ màu đỏ, nên ta thấy nó đỏ, nếu thiếu ánh sáng chiếu vào tấm vải, ta không nhìn thấy nó chứ đừng nói là nó có màu như thế nào. Tuy nhiên trong điều kiện ánh sáng chiếu vào vật khác nhau mà vật cũng phản chiếu màu sắc cũng có khác nhau chút ít. Màu thật của vật là màu khi nó được chiếu sáng bởi nguồn ánh sáng trắng ( trung tính )
                       CÂN BẰNG TRẮNG  xác định cho máy nhìn đúng mầu thật của đối tượng dù cho hoàn cảnh màu của ánh sáng thực tế làm cho màu của vật sai đi: Ví dụ dưới ánh đèn điện dây tóc, phần lớn các vật ngả màu hơi vàng, hoặc dưới ánh đèn neon, một số lại ngả mầu lạnh có ánh xanh. Nếu ta chụp người trong hoàn cảnh thực tế như vậy máy không thiết lập cân bằng trắng  đúng thì mặt người mẫu có khi vàng ệch như bị viêm gan B hoặc xanh lét như vừa bị ma dọa. CÂN BẰNG TRẮNG cũng tức là cho ra một bức ảnh chụp ở điều kiện ánh sáng trắng, mặc dù lúc ta chụp ánh sáng không phải là ánh sáng trắng.Mắt người cũng có chức năng cân bằng trắng khá tốt chính vì vậy mà  phần lớn các trường hợp  máy ảnh cần phải cân bằng trắng đúng để  cho ra một bức ảnh mà mắt người xem chấp nhận được. Nhân vật mặc một chiếc áo mới màu mốt nhất ,nhưng khi vào ảnh, màu của nó bị sai đi , chắc hẳn khi nhận tấm ảnh này người ta không thể hài lòng (1)
                     
                       RẤT MAY là các máy ảnh Nikon gần đây có chế độ cân bằng trắng  tự động  khá chuẩn. Nhưng máy móc cũng có khi nhầm lẫn. Chúng chỉ làm đúng đến 80% trường hợp thôi. Các chế độ cân bằng trắng đặt sẵn: flash, Ánh nắng, bóng râm, đèn dây tóc, đèn neon cũng chỉ tương đối. Mới chụp ảnh, ta cứ nên để chế độ  WB là A  ( tức là tự đông - auto)
                       Những nhiếp ảnh gia  có kinh nghiệm thường nhìn  hoàn cảnh và đặt cân bằng trắng theo chế độ nhiệt độ màu ( ví dụ ánh sáng ban ngày thì đặt 4500 - 5000 K, flash thì đặt  5000- 5500 K, ánh sáng trong phòng  nếu định đánh bù đèn thì đặt 4350 K, v, v)
                       Tuy thế, mắt người cũng có lúc nhầm lẫn, làm màu sai đi, người ta hay chụp ảnh bằng file ánh thô ( định dạng RAW -  NEF ) rồi làm hậu kỳ sau.
                       Phần lớn chúng ta không chụp ảnh  file NEF (NIKON) hay CRW ( canon) mà chụp ảnh JPEG vì sự tiện lợi của nó. Vì thế cân bằng trắng nên thật chuẩn. Với điều kiện ánh sáng thật tốt tôi thường để WB  auto. Bấm nút WB, xoay bánh xe cho đến chữ A ( sát với chữ WB trên màn hình phụ ở đỉnh máy)
                       Nếu ánh sáng không tốt, bị nhiễu loạn màu bởi nhiều thứ, ta cần cân bằng trắng thủ công cho máy,công việc này mất chừng vài giây đến một phút.
                      Trước hết bạn cần chuẩn bị một tấm bìa mầu xám 18% mua ở hiệu bán máy ảnh( bạn có thể vào Photoshop lấy một new file cỡ 8 x 8 inchs chọn mầu R46, G46, B46  ( hoặc trong ô # chọn kiểu màu : 2e2e2e) sau đó lưu file rồi in bằng máy in thường trên giấy A4, dán nó lên một tấm bìa, thế là bạn đã có một tấm bìa xám ( thuật ngữ nhiếp ảnh gọi là GRAY CARD). ( nếu mua bạn sẽ mất chừng 300 nghìn VNĐ)
                      Chẳng hạn, bạn chuẩn bị chụp ảnh trọng một hoàn cảnh cụ thể nào đó ( trong phòng cô dâu, tường xung quanh phản chiếu màu tường , màn che , ánh đèn có  chao nhuộm màu,... )  khi đó rất khó xác định đúng cân bằng trắng. Bạn cần cân bằng trắng thủ công như sau:
                      Nhấn vào Nút cân bằng trắng ( nút có chữ WB ấy) dùng bánh xe xoay đến có chữ PRE , để máy ở màn chập 5.6 , ưu tiên khẩu độ ( A); đo sáng cần phải để ở chế độ đo sáng ma trận toàn cảnh . Zoom toàn bộ tấm bìa xám vào rồi chụp. Nếu trên màn hình hiện chữ GOOD , hoặc Gd có nghĩa là máy đã hiểu rằng, tấm bìa vừa chụp là màu xám tiêu chuẩn ( trung tính tiêu chuẩn,  các màu khác cần nội suy từ màu đó cho đúng)
                      Như vậy bạn có thể chụp thoải mái trong điều kiện đó mà không sợ  sai màu.
                       Có một cách khác là bạn đặt tấm bìa xám vào một chỗ nào đó trong một khuôn hình lúc chụp ảnh, không làm ảnh hưởng đến đối tượng cần chụp, mà lúc hậu kỳ bạn có thể  dễ dàng  xóa đi bằng Photoshop. Bạn cứ chụp bình thường, sau đó trong lúc hậu kỳ, vào Image, Adjustment, curves, chọn chiếc hút màu chính giữa : Sample in image to Set gray point klick vào tấm bìa xám trong ảnh là xong.
                      Nhưng sao lại chọn bìa xám? Trên trang của Hội nhiếp ảnh có nhiếp ảnh gia khuyên dùng một miếng bìa trắng để cân bằng trắng thủ công cho máy. Bìa trắng cũng được. Nhưng nhớ là phải đúng là màu trắng - điều này thật là quá khó. Trắng có nhiều loại bạn cứ đi mua giấy in mà xem, giấy Bãi bằng VN trắng một kiểu, giấy  A- one Indonexia trắng một kiểu, vậy thật ra các màu trắng đó  đã bị pha đi mất rồi. Màu trắng đúng trong hệ màu RGB phải là R256, G256, B256 ( cân bằng giữa ba thành phần R - red đỏ, B - blue xanh dương, G - green xanh lá). Nhưng nếu dùng một tấm bìa trắng thực thụ cũng rất nguy hiểm là màu trắng đó dễ dàng bị phản chiếu thêm một màu của môi trường, còn tấm bìa xám sẽ ít phản chiếu hơn ( làm bề mặt không trơn nhẵn đâu nhé, bìa mà bóng loáng thì cũng bị phản chiếu màu của môi trường ít nhiều đấy. Vậy mầu đen thì sao? Cũng không tốt lắm, đen quá cũng dễ bị phản chiếu màu khác và làm cho máy ảnh khó mà nhận diện. Vì thế người ta quy ước tấm bìa xám 18% là chuẩn nhất.

------------------------------------------
CHÚ THÍCH:
(1) Có một số trường hợp cần diễn tả màu sắc thực của hoàn cảnh: hoàng hôn vàng làm cho mọi thứ đều vàng theo chẳng hạn mà ta cân bằng trắng lại làm mất cảm xúc thực của bức ảnh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét