Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

CHỤP ẢNH KHÔNG NHIỀU, RA ĐIỀU CHÉM GIÓ (1) Tôi học nhiếp ảnh thế nào

Tôi định viết một số bài giảng để dạy cho các học sinh trong câu lạc bộ nhiếp ảnh học sinh của trường THPT nơi tôi giảng dạy. Dự định là thế nhưng để có một giáo trình cho nó có chất lượng cũng cần có nhiều thời gian. Vì thế, tôi sẽ viết một số bài trên blog này nhằm làm một phác thảo, sau đó chỉnh sửa để trở thành giáo trình. Tất nhiên, không thể thiếu ảnh, video minh họa cho giáo trình, tôi lại cần có thời gian tuyển chọn. Chính vì thế mà những bài viết này sẽ còn liên tục được chỉnh sửa.

I Tản mạn về cái sự theo nghề nhiếp ảnh của tôi
                  Tôi đến với nhiếp ảnh đầu tiên như một ý thích về kỹ thuật. Chiếc máy ảnh là một chiếc hộp xinh xắn, kỳ diệu, ghi lại được hình ảnh, làm kích thích tính tò mò của tôi. Lúc đầu là máy chụp ảnh dùng film. Quả thực đó là một ý thích thực là tốn kém. Đầu tiên tôi dùng chiếc máy chụp film giá rẻ của Kodak, không lớn hơn chiếc chiếc điện thoại là mấy. Sau đó, tôi dùng chiếc máy Canonnet . Nhưng tôi không hề có khái niệm gì về nghề chụp ảnh. Tất cả các máy tôi dùng đều có chức năng tự động, tôi cũng chẳng quan tâm ảnh chụp được có đẹp hay k.hông, miễn là có hình là được. Tôi thấy tốn kém, một cuộn film đi đứt nửa tuần lương, chưa kể tiền tráng phim chiếm 25% giá tiền cuộn film, tiền rửa ảnh gấp 3 lần cuộn film. Chiếc máy ảnh nhà nghề có giá bằng gian nhà tập thể tôi đang ở, khoảng 1-2 cây vàng.Còn chiếc máy vừa vừa như loại Praktikca cũng phải dăm chỉ vàng. Lương chúng tôi một tháng cũng chỉ non một chỉ vàng. Dân chơi ảnh là những bạn đi nước ngoài về, với những chiếc máy  ảnh Nga, hoặc Đức, đầu tiên chỉ dám chơi film đen trắng, sau mới là film màu

                Lúc bấy giờ, cái nghề chụp ảnh nó còn có thể làm ra tiền, còn cái ý thích chụp ảnh của tôi thì không làm ra tiền. Hồi ấy, anh bạn đồng nghiệp của tôi, trong một lúc nào đó rất chân tình còn hỏi chúng tôi, mấy anh em thân trong tổ, rằng, nên như thế nào, có hai dự định, một là theo nghề chụp ảnh làm thêm ngoài nghề dạy học, hai là đầu tư để lên làm quản lý. Anh ấy chụp ảnh cho các đám cưới, đám ma, làm thêm ngoài giờ dạy học. Thời gian dành cho chuyên môn không nhiều được, lúc nào  anh cũng vội vàng, hay đi họp muộn, đêm thức khuya để làm tráng rửa film, sửa ảnh, lúc nào cũng như bị đòi nợ. Giáo án anh chẳng mấy khi chỉn chu. Khi có kiểm tra, anh đi mượn của người khác, chép. Mới cưới vợ, anh đưa nàng đi du lịch cùng với cơ quan. Vì anh biết chụp ảnh, anh bị người này gọi, người kia nhờ, cô vợ mặt nặng như treo mấy kg thịt.Nên tôi thấy, cái nghề chụp ảnh không hợp với mình, mặc dù nào tôi đã biết sâu về nghề chụp ảnh đâu. Tôi bỏ, chẳng theo.

                  Nhưng, đột nhiên, từ khi có máy ảnh KTS, có mạng xã hội. Tôi thấy con người không cùng ngôn ngữ trao đổi thông tin, làm bạn với nhau thông qua những bức ảnh. Ảnh KTS không phiền phức như ảnh chụp bằng film. Tôi mua một chiếc, rồi hai chiếc, ba chiếc máy ảnh KTS. Đó là những chiếc máy P&S, rất tiện dụng.  Tôi chụp ảnh hồn nhiên, đúng nghĩa ngắm, và chụp, vẫn như một trò chơi. Cảm nhận về máy ảnh canon, fujifilm, Sony v.v... làm tôi thấy thích. Nó rất hợp với những cuộc vui, du lịch.

                    Dần dà, có người mách tôi nên dùng máy ảnh DSLR. Tôi rất ngại, vì kích thước của nó, giá tiền của nó, chưa kể ngại mở ra mở vào, bụi chui vào trong máy. Tôi lại quen dùng máy P&S rất tiện, chiếc Canon SX10IS của tôi chụp cũng rất đẹp. Nhưng sự e ngại đó làm tôi chậm đến với nhiếp ảnh hơn.
                    Chiếc máy DSLR đầu tiên tôi mua là Nikon D90, bằng toàn bộ số tiền truy lĩnh thâm niên mấy chục năm, 19 triệu 200. Tôi thực sự không tiếc, vì nó đưa tôi đến với nhiếp ảnh.


                    Bời vì có chiếc máy này, tôi phải đọc nhiều hơn, tham khảo nhiều hơn trên Internet. Đầu tiên, tôi tìm tòi về cách bảo quản máy ảnh. Sau, tôi tìm hiểu về các phần mềm chỉnh sửa ảnh. Vì thế mà trình độ tìm tòi, cài đặt các phần mềm của tôi trở nên ngày một điêu luyện. Các phần mềm ban đầu tôi sử dụng  là  ACDsee, Fastone Imageviewer... cứ có cái gì trên mạng là tôi thử bằng được. Sau đó tôi học dùng được Capture NX2, tôi học mãi mà không học được Photoshop. Giáo trinh học Photoshop lúc đó( cách đây vài ba năm) viết rất khó hiểu, cứ úp úp mở mở, viết đấy mà như giấu giếm nghề. Một học trò gợi ý tôi dùng Lightroom, tôi lại học LightRoom,cài đặt các phiên bản từ LR3.0 đến LR5. Nhưng tôi thấy Lightroom phiền phức về import  ảnh nên tôi quyết học Photoshop.
Chính trong quá trình học về chỉnh sửa ảnh, mà dần dần tôi mới làm quen được với những từ ngữ nhà nghề của dân chụp ảnh. Nào là Exposure, Saturation, Sharpnes, Hue , Color Space , cân bằng trắng, độ phân giải, các bộ lọc ( fillter), Tốc độ, khẩu độ, ISO, ống kính các loại. Tôi thích cái trò chỉnh sửa ảnh này lắm, và thích máy ảnh lắm, nhưng thích theo kiểu con nhà nghèo. Tôi thích ngắm những chiếc máy ảnh, thích đọc các bài viết về các kiểu máy ảnh khác nhau. Thích đọc những bài khẩu chiến của hai phái Nikonian và Canonian. Tôi chọn chiếc máy Nikon D90 mới, vì tôi chưa dám dùng máy cũ. Ông anh họ làm nghề nhiếp ảnh mắng tôi là chơi sang, phí tiền, ông ấy nghĩ là tôi chỉ nên mua một chiếc máy cũ thôi, tầm độ 10 triệu.  Hôm ấy, tôi cũng thích chiếc Canon 60D, máy cũ, mà lại đắt hơn chiếc Nikon D90, tôi lưỡng lự mãi , ngồi ở hàng máy ảnh Ngọc Đức phố Vọng Đức gần nửa ngày, theo sự gợi ý của chủ cửa hàng, tôi mua Nikon D90.
                Tôi như có người yêu mới. Tôi phải làm mọi điều để cung phụng nàng. Chính vì thế, tôi phải học, phải download ngày càng nhiều phần mềm mới. Trong ổ cứng máy vi tính đầy những phần mềm. Không biết bạn có biết điều này không? Một phần mềm mới cho download, nếu bạn không nhanh tay, thì mấy hôm sau, có thể đã bị xóa mất, vì phần lớn chúng là phần mềm không có bản quyền.

                 Như thế, để học chụp ảnh, tôi lại đi học chỉnh sửa ảnh trước, tức là đi học làm hậu kỳ trước. Vì, tôi thích thế. Không biết bạn có cùng ý thích với tôi không. Kiến thức về chụp ảnh của tôi, sau 2 năm cầm máy ảnh, vẫn không hơn gì hồi chụp bằng máy P&S. Dùng máy DSLR tôi vẫn khoái dùng các chức năng tự động của nó. Đầu tiên tôi chụp P ( progama ) sau đó, tôi thấy mọi người bảo, tôi chuyển sang dùng chế độ A ( ưu tiên khẩu độ Apeture priority). Trên mạng, đâu đâu người ta cũng nói, rằng, cứ vác máy ra mà chụp, rồi khắc biết chụp. Ôi, không có ai dạy tôi như thế nào. Tôi không có thời gian để đi học một lớp chụp ảnh căn bản nào, vậy thì tôi phải trả học phí cho sự mày mò tự học bằng thời gian. Giá như, có ai như tôi lúc bắt đầu, tôi sẽ nói với họ: Hãy theo tôi, tôi chỉ cần 3 tiếng đồng hồ, sẽ dạy bạn chụp ảnh đẹp như chuyên nghiệp với một chiếc máy ảnh DSLR. Mặc dù, tôi cũng chỉ mới biết chụp ảnh, và không chụp ảnh nhiều đâu. Tôi không có những bức ảnh dự thi, góp mặt vào những trang ảnh của dân chuyên nghiệp nhưng tôi đủ sức giúp bạn làm được điều đó, bởi tôi  chỉ là ông đồ gàn ở  quê, biết đấy, nhưng không làm được, chỉ mong biết được gì bảo cho người khác đi xa hơn mình. Trong Blog của mình, tôi tự hào vì ngay từ khi mới mua máy ảnh DSLR tôi viết được một bài tìm hiểu máy ảnh ( http://trandac298.blogspot.com/2012/10/cac-nut-tren-may-anh-ky-thuat-so-nikon.html) đến nay đã có hơn 30.000 lượt bạn đọc, tức là tôi đã giúp được chừng ấy người như tôi bỡ ngỡ ban đầu, chưa kể có chừng 100.000 lượt đọc và like trên trang web Vua nhiếp ảnh bài này. Trang Vua nhiếp ảnh đã copy bài viết của tôi không xin phép. Chụp ảnh là một nghề cần phải học. Nhưng nếu đến ngay một lớp nào đó, mà giảng viên tuôn ra hàng tràng thuật ngữ chuyên ngành, chắc nhiều người ngán ngẩm lắm. Giá như có người chỉ bảo tận tay cho mình thì hay biết mấy.
                Tôi có anh bạn mua được chiếc DSLR gần như mới của một người chơi ảnh  theo  kiểu:  thích, có tiền thì mua, đã mua thì mua máy thật hiện đại, thật đắt ( giá tiền quyết định giá trị mà - có thật như vậy không?) đưa về dùng mấy hôm, chụp không được, ảnh còn xấu hơn cả chụp bằng điện thoại nữa, cũng chẳng có thời gian đâu để mà đi đây đi đó chụp ảnh, quanh quẩn chỉ chụp bà xã, con cháu, chó mèo,  mà lại bị  vợ con chê lên chê xuống, bực quá, bán lỗ. Chiếc máy Canon 60D lúc mua cũng 22 triệu bán lại sau một năm còn 10 triệu.
               Những người có kinh nghiệm thì khuyên như sau:
                 - Cân nhắc thật kỹ khi mua máy ảnh, vì đây là một thú chơi tốn tiền, mất thời gian. Sau khi mua máy ảnh, bạn còn cần mua nhiều thứ nữa phục vụ cho nó: ống kính, chân máy, chống ẩm, các lọai  filter. Chú ý, số tiền cho chiếc máy ảnh chỉ chiếm 25% phí tổn của bạn mà thôi, 75% phí tổn còn lại, bạn sẽ phải bắt buộc trả dần.
               - Nên mua lại máy cũ của những người lên đời ( còn tôi lại toàn đi mua máy mới )
               - Đừng mua máy đời mới nhất, mua dòng máy cách dòng máy mới nhất một đời. Ví dụ, bây giờ, khi Nikon ra máy DSLR D5, thì chiếc máy D3 chỉ còn có hơn 45 triệu. Máy nikon 7100 lúc mới ra  thân máy giá 24 triệu, bây giờ chỉ còn 13 triệu cho máy mới 100%, vì hãng đã cho ra lò D7200, D500 .Nikon D4s mới ra cógiá 110 triệu cho riêng thân máy, bây giờ có D5, giá chỉ còn có hơn kém 60 triệu một  máy like new.
              - Không phải trên thị trường máy ảnh  chỉ có Canon và Nikon. Các hãng máy ảnh đều có sản phẩm tương tự, cạnh tranh nhau theo từng nhóm khách hàng. Mua mà giữ giá lâu, hòng đem bán lại, thì mua Canon. Mua tính năng đủ chụp, chất lượng ảnh chụp đẹp thì mua Nikon. Ảnh nét thì Sony. Màu lạ lạ thì mua Fujifilm, Pentax.
              - Máy Mirroless dành cho những người thích chup đẹp, không phải học hành gì nhiều. Máy DSLR dành cho những người thích chụp, thích học nhiếp ảnh. Còn máy P&S ( còn gọi là compac thì dành cho mọi người.
            - Nên chơi máy ảnh cùng thương hiệu nhau để tận dụng kho ống kính chung
            - Xác định chụp ảnh thuộc vào những khoảng thời gian nào, phục vụ ai, sở thích chụp thể loại nào rồi  mới mua máy, mua ông kính.
            - Máy  cảm biến Fullframe thì giữ giá lâu hơn máy ảnh cảm biến Crop. Máy Crop nhỏ nhẹ, vừa túi tiền, với kỹ thuật hiện đại, cho ảnh đẹp ngang ngửa máy ảnh cảm biến Fullframe. Không cần chọn số pixel cao làm gì, chừng 10 Mp là vừa. Chiếc máy ảnh cổ D40 nikon chỉ có 6Mp thôi, nhưng vẫn có thể chụp ảnh cô dâu chú rể khổ lớn, đặt ở sảnh lớn lễ cưới ( khổ 1.5m x 1.0 m). Không cần chọn chức năng quay phim. Chức năng kết nối internet làm gì. nếu không chụp ảnh thể thao tốc độ cao, cũng không cần chọn máy ảnh có số ảnh trong một giây quá 5 hình .
         - Không phải máy ảnh đắt tiền thì  luôn chụp ảnh đẹp máy ảnh rẻ tiền. Máy ảnh đắt tiền thì dễ chụp ra ảnh đẹp hơn máy ảnh rẻ tiền thôi. Có những bức ảnh, chỉ những máy hiện đại mới chụp được. Nhưng, trong đa số trường hợp, những máy đời cũ vẫn đáp ứng được, chỉ là hơi mất công hơn thôi.
             





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét