Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

CHỤP ẢNH KHÔNG NHIỀU, RA ĐIỀU CHÉM GIÓ (2) Quan niệm về một bức ảnh

Tôi định viết một số bài giảng để dạy cho các học sinh trong câu lạc bộ nhiếp ảnh học sinh của trường THPT nơi tôi giảng dạy. Dự định là thế nhưng để có một giáo trình cho nó có chất lượng cũng cần có nhiều thời gian. Vì thế, tôi sẽ viết một số bài trên blog này nhằm làm một phác thảo, sau đó chỉnh sửa để trở thành giáo trình. Tất nhiên, không thể thiếu ảnh, video minh họa cho giáo trình, tôi lại cần có thời gian tuyển chọn. Chính vì thế mà những bài viết này sẽ còn liên tục được chỉnh sửa.

II Quan niệm về một bức ảnh
           Tôi không định đi sâu vào lý luận sáng tác của nhiếp ảnh. Tôi chỉ muốn bắt đầu trình bày cách thức chụp ảnh với việc quan niệm về bức ảnh. Lúc đầu, cầm chiếc máy ảnh lên, ai cũng thế, muốn ghi lại điều gì đó. Điều gì đó ấy, chính là ý niệm chụp ảnh. Trong bức ảnh, bạn thích ghi lại hình ảnh người bạn gái của mình, thì đó là chủ đề của bức ảnh. Nếu bạn lại muốn ghi lại bạn gái ấy cùng với chú chó cún cưng, thì hình chú thú cưng là chủ đề phụ. Nếu lại muốn có hình ảnh ngôi nhà nữa, thì ngôi nhà là bối cảnh, ngữ cảnh cho các chủ đề. Đôi khi, chủ đề của bức ảnh cũng rất đơn giản ví dụ như tia ánh sáng có hình dạng lạ kỳ, hay màn sương  buổi sớm.
          Như vậy, một bức ảnh có thể có nhiều chủ đề, nhưng không nên có nhiều chủ đề đâu nhé. Vì khi ấy, bức ảnh sẽ bị loãng như ta uống nước chè nước thứ n rồi. Không bao hàm việc chụp ảnh kỷ niệm tập thể, vì khi ấy, cả khối gồm nhiều người cũng chỉ tính là một chủ đề thôi. Còn nếu định nhấn mạnh một cặp cô dâu, chú rể thì cặp đôi đó là một chủ đề, còn những người khác là bối cảnh. Đó là quan niệm đơn giản nhất. Dùng để nói sau này trong phần kỹ thuật. Vì sao thế, có những chủ đề trừu tượng, ví dụ chụp sự phấn khích của các em học sinh ngày khai trường, thì phải được thể hiện qua nhiều hình ảnh cá nhân, vẻ mặt, ánh mắt. ( không có cái gọi là hình ảnh của Sự phấn khích, mà phải nhìn vào các hình ảnh nhân vật người xem ảnh mới phát hiện ra)




         Vậy là, bạn cần có một ý niệm trước. Quan sát, chọn chủ đề. Và nâng máy, chụp.
         Dù là ai, khi chụp ảnh cũng đều làm như thế. Lúc mới chụp ảnh, chủ đề thường được đưa vào trung tâm của bức ảnh. Ống kính máy ảnh chỉ có thể làm nét nhất ở trung tâm mà thôi. Càng ra rìa ảnh, hình ảnh càng bớt nét đi. Đặt chủ đề ảnh ở vị trí nào đó trong bức ảnh, gọi là bố cục ảnh. Nói thế, không có nghĩa là bạn không thể chụp nét chủ đề ở  ngoài trung tâm bức ảnh.
        Khi chủ đề không ở vị trí mong muốn, khi mà một số chi tiết không cần thiết không muốn có trong bức ảnh, người ta cần loại bỏ, bằng cách định lại khung hình. Cách giản đơn mà những người không có nghề là cứ chụp thật rộng, sau đó về nhà dùng phần mềm chỉnh sửa định lại, gọi là Crop ảnh. Còn những người chụp ảnh chuyên nghiệp, họ đã định hình khung hình ngay từ lúc chụp, tức là đã bố cục ảnh ngay từ lúc chụp. Khi đó, họ đã sử dụng tối ưu tất cả các tế bào quang điện có trong sensor của máy ảnh, nên ảnh họ sẽ chất lượng hơn cách làm thứ nhất. Ai không biết lại cứ bảo máy ảnh họ tốt hơn. Không phải như thế đâu bạn ạ. Bạn có một chiếc máy ảnh ghi là 24Mp nhưng bạn chụp chân dung một người chỉ chiếm 1/4 diện tích khung hình, tức là bạn chỉ dùng có 6Mp để chụp thôi, nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm, với một máy ảnh 12.1 Mp họ chụp cũng người mẫu đó toàn khung hình chắc chắn hình ảnh của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sẽ chi tiết hơn, không phải gấp đôi, mà là gấp bốn lần ( bình phương tỷ lệ bạn nhé), chưa kể, số lượng nhiều pixel ảnh trên một sensor đôi khi còn làm giảm chất lượng hình ảnh.
        Khi chụp ảnh, thường ta rất tham lam, muốn đưa nhiều thứ vào bức ảnh. Về nhà, mới lại muốn tách ra, lúc đó bức ảnh sau khi crop sẽ mất chất lượng đi rất nhiều. Ví dụ chụp hoa Tam giác mạch, có nhiều chùm hoa đẹp, thì cũng chỉ nên đặc tả một chùm thôi. ( chụp hoa Tam giác mạch là một bài chụp thật khó). Vì vậy nếu được phép tham lam, xin hãy tham lam khung hình để ghi lại những gì mình muốn thể hiện, hơn là nhồi nhét nhiều thứ vào một khung hình rồi về nhà lại phải mất công loại bỏ. Một ví dụ thật buồn cười là các phát thanh viên truyền hình, khi lên hình chỉ mặc nghiêm chỉnh phần thân trên thôi ( cổ cồn, cravat ), còn phần thân dưới có thể là quần bò vv, bởi vì khi quay hình, người quay chỉ quay phần thân trên của PTV thôi.
        Lại nói về chụp ảnh hoa lá, cây cỏ, côn trùng một chút. Chụp thế nào để bức ảnh không phải loại ảnh dùng trong bộ môn Sinh vật học? Bạn có suy nghĩ về điều này không?
        Máy ảnh nhìn thực tế khác với mắt người. Nó chỉ thấy những thứ được thu vào trong ống kính mà thôi, tức là, giống hệt con mắt của một đứa trẻ sơ sinh. Còn mắt người lại khác, mắt người nhìn sự vật còn dựa vào kinh nghiệm, tức là những hình ảnh tương tự đã nhìn từ trước. Ví dụ, khi nhìn một chiếc áo trắng trong chiều nắng vàng, máy cho thấy mầu vàng, nhưng mắt người quả quyết là màu trắng vì màu vàng ám lên mầu áo phản chiếu vào ống kính. Mắt người cho là Trắng là do nhiều lần nhìn trong hoàn cảnh tương tự, nên suy đoán là màu Trắng. Khi nhìn lên bức ảnh, người ta mới thấy nó là màu vàng, tức là xem ảnh, khác hẳn lúc nhìn thực tế.

       Vì vậy, lại có hai trường phái nhiếp ảnh. Loại cho ra những ảnh giống với mắt người xem, tức là bức ảnh thay con người đã chép được trong thực tế, loại thứ hai, cho ra những bức ảnh mà máy ảnh trông thấy, mắt người không trông thấy bao giờ ( ví dụ những bức ảnh chụp bằng máy ảnh hồng ngoại), khi kỹ thuật phát triển, những bức ảnh chụp bằng những kỹ thuật đặc biệt sẽ làm cách mạng các phòng ảnh. Có người say mê chụp những vật bé tí xíu như mắt con chuồn chuồn, đầu đinh ghim (macrophotography), ảnh chụp bằng X-ray ( không phải là ảnh y học đâu nhé), chụp ảnh những vật chuyển động cực nhanh, là những thứ mà mắt người thông thường chẳng thể nhìn thấy. Thế bạn chọn trường phái nhiếp ảnh nào? Kệ bạn nhé, tôi chỉ lưu ý bạn rằng, bức ảnh chụp được không giống như bạn nhìn thấy, là điều bình thường. Vì lợi ích của cá nhân, có thể, bạn sẽ muốn nó giống như gì mình nhìn thấy phải không? Nhưng hãy cách mạng con mắt, bằng cách nhìn bức ảnh theo cách mà máy ảnh nó nhìn cũng tốt.
        Còn vấn đề này nữa: Ánh sáng dẫn dắt nhiếp ảnh. Bạn có nghĩ đến việc sử dụng ánh sáng để làm nên điều kỳ diệu trong bức ảnh của mình hay không? Những hiệu ứng của ánh sáng: phản xạ, khúc xạ và tia, bóng đổ , ánh sáng mềm mại hay gay gắt ( tạo sự chuyển dịu dàng hoặc đột ngột từ vùng Shadow sang vùng Hightlight ) đều được các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm tận dụng để sáng tác. Đôi khi nó tạo nên hiệu ứng ẩn dụ, đối lập hoặc liên tưởng cho người xem.
        Có nhiều cách chia loại ảnh, và các Nhiếp ảnh gia chuyên chụp các ảnh đó: Chụp ảnh Chân dung, Chụp ảnh phong cảnh, Chụp ảnh đường phố, Chụp ảnh Macro, Chụp ảnh Kiến trúc, Chụp ảnh sản phẩm, Chụp ảnh quảng cáo, Chụp tĩnh vật, rồi thì ảnh đen trắng, ảnh âm bản, ảnh màu ..vv và vv

        Một bức ảnh muốn thể hiện được điều gì đó, trước hết nó phải được làm đúng. Nhiều khi chỉ cần làm đúng, bức ảnh đã đẹp rồi, vì tự thân, ảnh là chớp được khoảnh khắc đẹp nhất, cảm xúc nhất. Thế nào là ĐÚNG? Theo tôi, cần phải đúng Sáng, đúng nét, đúng màu. Đúng sáng là quan trọng nhất, sau đó mới đến đúng nét, và cuối cùng mới là đúng màu.
       Tôi nhớ nhất một nhiếp ảnh gia có tiếng đã nói: " Người mới làm nhiếp ảnh cố làm cho bức ảnh thật nét, người làm nhiếp ảnh thành thạo nghề cố làm cho bức ảnh thể hiện được điều gì đó, người làm nhiếp ảnh lâu năm tìm mọi cách để bức ảnh của mình có thể kiếm được ra tiền"
       Vậy, thì chúng ta hãy cố gắng để đạt được mức thứ hai, bởi, bây giờ, không phải ai cũng bán được ảnh đâu nhé!

( còn nữa )
     





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét