Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

CHỤP ẢNH KHÔNG NHIỀU, RA ĐIỀU CHÉM GIÓ (3) Các tham số căn bản của một bức ảnh

Tôi định viết một số bài giảng để dạy cho các học sinh trong câu lạc bộ nhiếp ảnh học sinh của trường THPT nơi tôi giảng dạy. Dự định là thế nhưng để có một giáo trình cho nó có chất lượng cũng cần có nhiều thời gian. Vì thế, tôi sẽ viết một số bài trên blog này nhằm làm một phác thảo, sau đó chỉnh sửa để trở thành giáo trình. Tất nhiên, không thể thiếu ảnh, video minh họa cho giáo trình, tôi lại cần có thời gian tuyển chọn. Chính vì thế mà những bài viết này sẽ còn liên tục được chỉnh sửa.

III Các tham số căn bản của một bức ảnh 
            Sắc độ của sáng tối là linh hồn của bức ảnh
            Không có ánh sáng, thì không có nhiếp ảnh.
            Nhiếp ảnh là  bộ môn nghệ thuật sử dụng ánh sáng để thể hiện
            Ánh sáng phản ánh vào một bức ảnh gồm: Sắc  độ, diện tích, màu sắc
            Sắc độ ánh sáng thể hiện qua các vùng: Vùng Sáng ( Highlights ( chia thành hai mức sáng: Light, và cực sáng Hightlights) Vùng tối ( Shadow: chia thành hai mức: Dark và Shadow)
            Mắt người có thể nhìn, phân biệt được 12 sắc độ chuyển từ vùng Cực sáng  Hightlights về vùng cực tối Shadow, nhưng máy ảnh KTS hiện tại chỉ phần biệt được 6 sắc độ mà thôi.
            Một bức ảnh vô hồn, là một bức ảnh toàn một sắc độ, ví dụ toàn diện tích là trắng, hoăc đen, hoặc xám. Một bức ảnh cần phải có vùng sáng, vùng tối, đan xen, nhiều sắc độ khác nhau. Để đo lường tổng diện tích của các vùng này, người ta sử dụng một biểu đồ toán học, gọi là Histogram

                  Theo trục ngang từ trái qua phải là các sắc độ từ cực tối ( 0 - 50),  tối ( 50-100), trung tính ( medium 100-150), sáng 150- 200, cực sáng ( 200- 250) lẽ ra là nên kéo đến 256 ( tức là 2 lũy thừa 8, tức là thang đo theo 8bit ) nhưng đến 250 đã là vùng cháy sáng rồi mọi thứ đều không phân biệt được nữa. Theo trục dọc, là diện tích vùng tương ứng trên bức ảnh.
                   Một bức ảnh cân bằng sáng tối, là một bức ảnh có biểu đồ Histogram dạng hình như một quả đồi. Hoăc gần như thế. Nhìn đối chứng qua bức ảnh bên cạnh và biểu đồ, ta thấy, vùng cực sáng không có ( không có bộ phận nào bị cháy sáng), cũng không có vùng cực cực tối ( sát bên trái). Vùng tối đen nhất là tóc, mắt của nhân vật chiếm ít, nên vẫn nhìn rõ làn sóng tóc. Vùng sáng vẫn thấy chi tiết của vải mũ. Đây là một bức ảnh chụp đúng sáng.
                  Một bức ảnh quá tối là bức ảnh mà cạnh trái của biểu đồ sát vào trục dọc, đeo dính lên trục dọc bên trái. Khi đó, có khi tóc của nhân vật chỉ còn toàn màu đen, không phân biệt được gì nữa, người ta gọi là bị bết sáng. Vùng tối, không có ý niệm gì về màu, về chi tiết
                 Một bức ảnh quá sáng, còn gọi là bị cháy sáng, là bức ảnh có phần biểu đồ bên phải sát cạnh phải leo lên cả đường dọc kẻ từ mức 250 lên. Khi đó, vùng sáng cũng bị lóa, không thấy chi tiết, màu sắc cũng chẳng còn gì ngoài màu trắng xóa.
                 Ảnh quá sáng, hoặc quá tối, đều là loại khó cứu vãn. Tất nhiên, khó, không hoàn toàn là không chữa được, nhưng sau khi chữa chạy, chúng ta cần phải chấp nhận chất lượng ảnh không cao.
                 Tuy nhiên, đôi khi Histogram tốt, không có nghĩa là ta có một bức ảnh tốt. Khi chụp một hoạt động đêm, đôi khi vùng tối rất nhiều, chỉ vài nét sáng lên làm ta hình dung ra đối tượng mà thôi, nếu nhìn Histogram sẽ thấy biểu đồ lệch nặng về bên trái. Hoặc bạn chụp bức Lửa hàn có thể thấy một vùng lóe sáng cực rộng, biểu đồ lêch hẳn sang bên phải. Vì thế, Histogram chỉ mang tính tham khảo.
                 Histogram lại có 3 kênh: Đỏ- Red, xanh cây ( Green) và Xanh dương ( Blue)  bạn có thể bấm để xem, và biết ảnh dư màu nào trong ba màu cơ bản.
                Để can thiệp vào ánh sáng của bức ảnh ta có 3 cách:
                - Mở rộng hay hẹp ống kính:  Còn gọi là Apeture
                - Tốc độ chụp chậm hay nhanh: Khoảng thời gian lâu hay mau để ánh sáng tác động lên Sensor máy ảnh ( thay cho tấm film), còn gọi là thời chụp, hay  tốc độ phơi sáng ( Speed)
               - Tăng hay giảm độ nhạy sáng của sensor ( ISO)
Tổng hợp ba tham số ấy, ta được một thứ gọi là Exposure :  Mức Phơi sáng.
                   Vậy:  Exposure =  Apeture * Speed  * ISO   ( E = A * S * I , dấu * chỉ sự kết hợp, không có nghĩa  là cộng hay nhân gì cả)
                   Một mức E có thể tạo ra bởi rất nhiều cách lựa chọn bộ ba ( A, S, I )
                   A = apeture chính là các độ mở ống kính máy ảnh. Tùy theo giá tiền, nó có giới hạn chứ không tùy tiện được. Những ống kính có thể mở thật rộng thì có thể chụp ở tốc độ nhanh hơn mà vẫn đủ sáng, thì gọi là ống kính nhanh, dùng để chụp thiếu sáng. Đó là các ống kính có độ mở 1.2 đến 2.8.
                 Bạn cần chú ý điều quan trọng sau đây: Trong biểu đồ Histogram, Thông tin về màu sắc, đường nét, chi tiết nằm phần lớn ở vùng hightlight: Cụ thể là nếu từ 0 đến 250 ta chia thành 14 phần bằng nhau, gọi là 14 bước. Vùng 14 chứa 50% thông tin, vùng tiếp theo chứa 50% của phần còn lại tức là chứa 25%, và cứ như thế, cứ mỗi vùng từ phải sang trái lại chứa số lượng thông tin về ảnh bằng 1/2 lượng thông tin của vùng kề sát bên phải của nó. Như vậy, khi chụp ảnh, nhất thiết phải đủ sáng thì màu sắc, chi tiết ảnh mới đầy đủ. Đủ sáng, tức là trong khi review lại ảnh, nhìn vào biểu đồ Histogram, đồ thị phải có chân ăn sát vạch đứng bên phải. Như vậy vùng Hightlight chiếm đến hơn 95% thông tin về ảnh đó bạn. Tất nhiên, không nên chup ảnh để đồ thị leo hết lên vạch giới hạn bên phải, lúc đó, gọi là ảnh bị cháy sáng. Nếu ảnh bị cháy sáng thì các chi tiết ảnh và màu sắc cũng sẽ bị bệt. Nếu ta dùng phần mềm chỉn sửa để  can thiệp thì có thể dìm sáng xuống, nhưng chi tiết vùng sáng cũng mất. Còn nếu ảnh đủ sáng( không cháy) ta có thể dìm sáng xuống, các chi tiết trong vùng sáng sẽ hiện ra rất tốt. Chính vì thế mà khi chụp ảnh thiếu sáng, các nhiếp ảnh gia khuyên sử dụng thêm đèn fash để trợ sáng. Phải có đèn thì các màu sắc mới lên đủ, nếu không, bạn sẽ chấp nhận một lượng màu nào đó và chỉ đạt được sự tương phản sáng tối, hay , nói chung chuyển ảnh về đen- trắng

                 Tương tự, ta không cần phải chụp ảnh đủ tối ( điều này, các nhiếp ảnh gia sử dụng máy ảnh film lại hay dùng). Ta chỉ cẩn dìm sáng bằng phần mềm, thì lập tức có vùng tối mà chi tiết lại không bị mất.
                 Mẹo chụp ảnh nói trên gọi là chụp ảnh tối ưu vùng sáng ( Optimal Hightlight-zone ) đặc biệt quan trọng với chụp ảnh phong cảnh, khi mà tất cả mọi thứ trong bức ảnh đều cần phải rõ ràng về đường nét và màu sắc
                 Các  nhiếp ảnh gia chuyên chụp phong cảnh, bao giờ cũng chụp thử một bức ảnh, sau đó review để quan sát biểu đồ Histogram điều chỉnh khẩu độ, tốc độ và ISO để được một bức ảnh tối ưu vùng sáng.
                 Tuy thế, khi ta chụp tối ưu vùng sáng, lúc đó vùng tối có thể rất tối, đến mức mất chi tiết, dẫn đến đen sì, vậy phải làm sao?
                  Bây giờ là chỗ cho các nhà bán thiết bị lên tiếng. Khi chụp ảnh với bầu trời, khi ta muốn mây, trời xanh phải chi tiết, khi đó những đối tượng dưới bầu trời như lùm cây, ngôi nhà có thể lại tối đen ( cháy đen). Người ta dùng các filter nửa trên tối, nửa dưới sáng để che bớt ánh sáng của bầu trời, còn nửa dưới không che để giữ cho bên dưới bầu trời đủ sáng. Một chiếc filter như vây cũng khá đắt đỏ. Loại 4 khẩu có khi đến vài trăm $Dollard.
   CAN THIỆP VÀO ĐỘ MỞ CỦA ỐNG KÍNH ĐỂ LÀM GÌ?
- Nếu ống kính  mở rộng, vùng ảnh rõ sẽ hạn chế lại, chủ đề sẽ đỡ rối. Nếu chụp chân dung, chỉ nhân vật là rõ, phía sau  và phía trước ảnh thì mờ, gọi là xóa phông. Nếu ống kính khép nhỏ lại, vùng ảnh rõ sẽ trải sâu hơn, khi chụp phong cảnh rất cần điều này
- Mở rộng được ống kính, ánh sáng vào nhiều, có thể tăng tốc độ chụp, chống được rung, nhòe ảnh do run tay. Mở hẹp ống kính, ánh sáng vào ít, chụp cần chậm lại, làm cho hiệu ứng chuyển động nhòe của thác nước làm cho bức ảnh đẹp hơn
CAN THIỆP VÀO TỐC ĐỘ PHƠI SÁNG ĐỂ LÀM GÌ?
- Tốc độ cao chống nhòe hình
-Tốc độ cao gây cảm giác tối hơn, có thể chụp giữa trưa mà như chụp tối, để bỏ qua ánh sáng môi trường, dùng ánh sáng cưỡng bức là chính.
- Tốc độ chậm dùng để bắt ánh sáng rất yếu
CAN THIỆP VÀO ĐỘ NHẠY ISO ĐỂ LÀM GÌ?
- Giảm ISO để giảm nhiễu
- Giảm ISO để có thể chụp chậm hơn
- Tăng ISO để bắt được ánh sáng yếu, cộng với bồi đèn flash có thể làm rõ hậu cảnh và nhân vật, mà không sợ nhân vật thì sáng lóa, hậu cảnh thì tối đen, kể cả chụp ban ngày. Tăng ISO cũng làm cho đèn flash phát công suất thấp hơn, đèn dùng bền hơn
- Tăng ISO để chụp được nhanh hơn

                   Tùy theo mục đích, yêu cầu của tấm ảnh mà ta chọn ưu tiên khẩu độ, ưu tiên tốc độ, còn ISO thì tùy chỉnh theo nhu cầu. Không dùng ISO cao quá làm cho ảnh bị nhiễu hạt, hoặc nhiễu mầu.
                   Trước đây, khi chưa có nhiếp ảnh mầu, chỉ có ảnh máy film đen trắng, nhân loại vẫn có những bức ảnh tuyệt vời. Đó là những bức ảnh thể hiện được sắc độ của ánh sáng ( sắc độ, chứ không phải là màu sắc) ở mức nghệ thuật cao. Từ shadow sang hightlight  như trên ta đã phân tích, từ mức 0 đến mức 256 = 2 lũy thừa 8 là 8 mức sắc độ lớn, mỗi sắc  độ lớn lại chia được thành nhiều sắc độ nhỏ theo mức chia 2, chia 4, chia 8. vv. Ảnh đen đẹp được tất nhiên không phải nhờ màu, mà nhờ sắc độ như vậy. Và, có những nhiếp ảnh gia, trung thành tuyệt đối với máy film và với film đen trắng. Đó chính là những bậc cao niên, họ bắt đầu nhiếp ảnh với máy film đen trắng, và  họ không thể  bỏ tình yêu  đầu đời đối với ảnh đen trắng.

                  Lúc nãy, ta nói về Sáng, Tối, bây giờ ta bàn về màu sắc.
                  Màu sắc tất nhiên phụ thuộc nhiều vào ánh sáng. Nếu bức ảnh không đủ sáng, nó sẽ không phản ảnh đủ các mầu.
                Một bức ảnh tốt phải là bức ảnh có cân bằng trắng  kiểm soát được ( bạn klick đúp vào liên kết chữ cân bằng trắng mầu để đọc thêm về cân bằng trắng)
                Hôm qua, tôi có thời gian xem lại các bức ảnh tôi đã chụp và đăng trên trang FB cá nhân. Tôi đã thực sự giật mình vì một điều là , một số bức ảnh của tôi rất tệ về màu sắc, đó là những bức ảnh khi tôi sử dụng laptop Dell. Giai đọan đầu, tôi dùng laptop HP thì  tương đối ổn. Và tôi thực sự biết ơn các bạn bè đã like những bức ảnh đó thay vì dislike chúng.
                Khi ta chụp những bức ảnh phong cảnh, màu sắc có thể sai một chút cũng chẳng có ai cảm thấy khó chịu, nhưng nếu ta chụp ảnh mà chủ đề là người, thì sai màu sắc một chút cũng là tai họa. Không ai muốn da mình tự  nhiên lại xanh lét, hay vàng ệch ra, mà lỗi này chính là người chụp ảnh.
               Lỗi về màu sắc thường xảy ra trong các trường hợp sau đây:
             -  Máy ảnh cân bằng trắng sai
             -  Người chụp, khi chỉnh sửa ảnh đã làm sai màu đi
               Trường  hợp thứ nhất xảy ra do chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, hoặc khi màu sắc của môi trường phức tạp, thay đổi liên tục, ví dụ ánh sáng của đèn màu sân khấu đám cưới, ca nhạc. Còn nếu ánh sáng đủ, cân bằng trắng tự động của máy ảnh đã đo đạc và làm đúng tới 90% trường hợp
                Trường hợp thứ hai thường xảy ra khi bạn có một màn hình không chuẩn khi làm hậu kỳ ảnh. Vì thế lời khuyên là, nếu bạn muốn gìn giữ chiếc máy ảnh của mình được lâu bền, thì hãy đầu tư một màn hình PC hoặc laptop có mầu trung thực nhất. Các thợ ảnh kinh tế hạn hẹp  đều  săn lùng mua các màn hình đời cũ , đèn hình CRT để làm hậu kỳ ảnh, vì chúng cho mầu khá trung thực và ổn định. Các màn hình đời mới dùng công nghệ LED, tinh thể lỏng cũng tốt, nhưng cho màu không trung thực, nhất là quan sát ở các góc khác nhau so với màn hình thì màu sắc cũng khác nhau. Màn hình nào, thì sau một thời gian, cũng bị sai màu đi, chưa kể, độ chói của màn hình thay đổi , trong các môi trướng ánh sáng khác nhau cũng làm cho cảm nhận màu sắc khác đi. Vì thế mà sau một thời gian nhất định người ta lại phải cân lại  màu cho màn hình.
               Tôi cũng mấy lần chụp ảnh đám cưới. Trên sân khấu bố trí rất nhiều đèn màu, và màu sắc thay đổi liên tục. là loại chụp sự kiện, phải chớp thời cơ đúng lúc, không thể chờ đèn màu chuyển về màu mình cần. Thực sự rất khó có một bức ảnh đẹp các bạn ạ, vì máy ảnh không thể chỉnh tự động cân bằng trắng nhanh theo kịp vòng xoay của đèn màu. Nên có khi thì mặt cô dâu chú rể màu xanh lá, lúc lại vàng, lúc thì tím, được lúc màu vàng thì còn tạm ổn dễ chỉnh sửa. Trong một workshops  của camera Tinh tế, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hà ( Haphoto.com) khi bị hỏi về trường hợp xử lý đèn sân khấu, cũng lảng tránh trả lời câu hỏi này. Tốt nhất, nếu màu sắc tệ quá, thì chỉ còn cách chuyển thành ảnh đen trắng. Cố nhiên, không phải không có cách giải quyết, đó là dùng đèn flash đánh át ánh sáng màu đi, với cài đặt ISO không cao quá, hoặc chụp nhanh hơn để hạn chế ảnh hưởng của ánh sáng môi trường khi đó có thể dùng nhiều đèn flash đặt ít nhất 2 vị trí để phủ sáng. Khi đó, đặt cân bằng trắng theo nhiệt độ màu của đèn flash bạn có.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét