Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2018

TƯƠNG TỨC VÀ KINH KIM CƯƠNG


Khái niệm tương tức tôi học được từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua những bài giảng trên Youtube của người.
Mọi vật trong vũ trụ đều có mối liên hệ với nhau, không kể là sinh vật hay không phải là sinh vật. Điều đó gọi là tương tức. Ý thức được điều đó trong cách hành xử của chúng ta đối với xã hội và thiên nhiên là rất quan trọng.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau: Một hôm, Tay, Chân, Mắt, Mũi, Tai nói chuyện với nhau: chúng ta làm việc vất vả cả ngày, chỉ để nuôi cái Miệng. Miệng chả làm gì cả cũng có ăn. Thật là bất công. Chúng ta cứ thử không làm việc nữa xem cái Miệng có sống được không? Nói và chúng thực hiện thật, ngày đầu không thấy xảy ra chuyện gì, nhưng hai, ba ngày sau, Mắt bắt đầu mờ, Tai bắt đầu ù như có tiếng xay lúa, Mũi có khá hơn nhưng cũng bắt đầu sụt sịt trước cái lạnh giá, Tay và Chân thì bải hoải không muốn nhấc lên nữa. Thế là chúng họp lại, Miệng lên tiếng trước: mấy hôm nay, tôi cũng khô cả miệng lưỡi, môi se lại, đắng ngắt, mệt mỏi, Tay, Chân, Mắt, Mũi, Tai cùng nói: Chúng tôi cũng thế. Tất cả chúng ta đều trong một cơ thể, mỗi anh một việc, chỉ một người không làm, tất cả sẽ ốm yếu như vậy.
Câu chuyện tuy nhỏ, nhưng có đầy đủ ý nghĩa của từ Tương tức.
" Này, Tu Bồ Đề, nếu một vị bồ tát mà còn có khái niệm về Ngã, về Nhân,về Chúng sinh, và về Thọ giả thì vị ấy không phải là một vị bồ tát đích thực
Này nữa, thày Tu Bồ Đề, vị bồ tát thực hiện phép bố thí nhưng không dựa vào bất cứ một thứ gì, nghĩa là không dựa vào sắc để bố thí, cũng không dựa vào thanh, hương, vị, xúc và pháp để bố thí. Tu Bồ Đề, bồ tát nên bố thí theo tinh thần ấy, không dựa vào tướng. Tại sao? Nếu bồ tát bố thì mà không dựa vào tướng thì phước đức sẽ không thể nghĩ bàn''... ( Kinh Kim cương - Thích Nhất Hạnh dịch và chú giải)

" Giải thoát cho vô số, vô lượng, vô biên chúng sinh như thế, mà kỳ thực ta không thấy có chúng sinh nào được giải thoát" ( Kinh Kim cương)
Đó là tiếng sét đầu của Kinh Kim Cương nhằm khơi mở tình thần vô tướng. Hành giả thực hiện việc độ sinh một cách tự nhiên, không thấy có sự phân biệt đây là người làm đây là người được giúp đỡ, đây là người thưc tập từ bi và đây là người được hưởng thụ sự thực tập từ bi. Hành động với tinh thần đó mới đúng là hành động theo tinh thần Bát Nhã ( Trí Huệ). Khi bàn tay trái bị thương, bàn tay phải lập tức nắm lấy và tìm cách băng bó. Trong khi bàn tay phải không tuyên bố: " Ta là bàn tay phải, ta săn sóc ngươi, người là đối tượng hành đạo của ta. Chính vì ngươi mà phát được cái tâm từ bi của ta''.
Bàn tay phải không bao giờ nói và không bao giờ có tâm niệm như thế. Vị bồ tát cũng làm giống hệt như bàn tay phải đối với bàn tay trái, không có ý niệm về người làm ( Ngã) và người được thừa hưởng ( Nhân). Đó là tinh thần vô tướng. Tại sao? Tại vì bàn tay phải biết quá rõ là  tay trái cũng chính là nó. Tay phải và tay trái không phải là hai, giữa hai bên không có sự phân biệt. Đó là tinh thần tương tức ( interbeing). Tương tức là cộng hữu, nghĩa là cùng có mặt với nhau cùng nương nhau mà có mặt, cái này có thì cái kia có. Với nhận thức tương tức đó bàn tay phải giúp bàn tay trái một cách vô tướng.
Con chó, tỏ dấu hiệu mừng khi chủ về không phải nó định lấy lòng chủ. Nó thức đêm, canh gác, cắn vào kẻ trộm, sủa báo động không phải chỉ để chờ chủ thưởng công hay ít ra biết cái công lao đó. Đôi khi, khi bị quát mắng đừng sủa nữa ( khi có khách đến) nó còn muốn sủa thêm. Dù có bị chủ đánh mắng, nó cũng không chịu từ bỏ lòng trung thành và tình yêu với người chủ của nó vậy có phải loài Chó đã thực tập được tinh thần vô tướng không? Trong tình yêu của loài người, có mấy người khi yêu mà không có suy nghĩ mong muốn được đáp ứng lại? Ừ, thì không yêu cầu người kia đền đáp thì có, nhưng sâu trong tâm tư vẫn có cái mong được đáp đền lại, không bây giờ thì trong tương lai...







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét